Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Làm lớn thì phải phục vụ

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ (Mc 10,45)






Lời Chúa:  Mc 10,32-45
         Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?" Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Đức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giêsu bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."


Suy niệm: 
     1. Dù không có ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam. Thánh sử Máccô đã nhấn mạnh hành trình lên Giêrusalem này qua ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.
     Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết.”
     Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Đã Nhập Thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Người bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.
     Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Đấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô con đường dẫn đến sự sống đích thực.
     Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Đấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.
     2. Đây là câu chuyện vui của thầy Anrê với cây Thập giá bị bỏ lại. Trước khi bắt đầu cuộc hành hương về Núi Thánh, thầy tu viện trưởng dẫn các tu sĩ của mình đến nơi có trưng bày nhiều loại Thập giá lớn nhỏ khác nhau và nói: “Nào chúng ta mỗi người hãy chọn lấy cho mình một cây Thập giá để vác trong suốt cuộc hành hương này.” Các tu sĩ chạy đến tranh nhau dành cho mình cây Thập giá nhỏ nhất bao nhiêu có thể. Họ nghĩ thầm rằng đó là cây Thập giá nặng nhất, tiện đường vì cuộc hành hương còn xa.
     Khi mọi tu sĩ đã chọn cho mình cây Thập giá rồi, thì còn lại một cây Thập giá to nhất cho thầy tu viện trưởng. Thầy bước đến vác lấy cây Thập giá đó mà chỉ dùng có một tay nhấc cây Thập giá lên cùng đi. Ai cũng có vẻ thích thú vì có thái độ “Lãnh nặng, tìm nhẹ” để vác lấy Thập giá trên đường hành hương, nhưng người dành được cây Thập giá nhỏ nhất mới vỡ lẽ ra rằng Thập giá mà mình cầm lấy lúc đầu lại là Thập giá nặng nhất.
     Câu chuyện vui phơi bày tâm lý tầm thường của mỗi người. Miệng chúng ta quyết mạnh mẽ là mình vác lấy Thập giá theo Chúa nhưng có thể trong thâm tâm chúng ta ước ao có một cây Thập giá nhẹ nhàng, tiện lợi theo ý muốn riêng của mình hơn là vác lấy Thập giá theo thánh ý Chúa gởi đến cho mình. Hay tệ hơn nữa, chúng ta có thể xin Chúa cho mình được vâng lời, hay ngồi bên hữu, bên tả Chúa, như lời cầu xin của hai anh em con ông Giêbêđê được kể lại trong Phúc Âm (Mc 10,32-45).
     Như vậy thánh Máccô dường như muốn làm nổi bật thái độ sống chưa trọn vẹn của các môn đệ Chúa. Những bất toàn của các ngài không phải để làm chúng ta thất vọng, nhưng để chứng tỏ cho chúng ta hai điều kiện:
     Thứ nhất là những kẻ được chọn theo Chúa còn bất toàn, còn những tật xấu, khuyết điểm như bao người khác.
     Thứ hai là ơn Chúa ban sẽ giúp cho những kẻ theo Ngài trở nên tốt hơn, nếu họ biết cộng tác với ơn Chúa. Như thánh Phaolô đã tâm sự: “Nhờ ơn Chúa mà tôi được như vậy không phải là tôi giỏi giang gì hơn kẻ khác, nhưng vì ơn Chúa đã trở nên hữu ích nơi tôi.”
     Như hai anh em Giacôbê và Gioan lúc đó chưa được thanh luyện hoàn toàn, và chưa được soi sáng về thực thể theo Chúa phải như thế nào? Nên hai ông xin Chúa được ngồi bên tả, bên hữu Ngài, do đó các môn đệ khác đã ganh tị nhau, chúng ta ngày hôm nay cũng có thể hành xử như vậy. Hai anh em Giacôbê và Gioan vừa nghe nói việc từ bỏ vật chất để theo Chúa trên con đường Thập giá, thế mà hai anh lại xin Chúa cho được ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Chúng ta ngày nay được nghe Chúa nhắc lại nhiều lần trong sứ điệp Tin Mừng của Ngài, nhưng chúng la lại sống khác đi, miệng nói sẵn sàng vác lấy Thập giá theo Chúa, nhưng trong lòng lại mơ ước vinh quang, quyền lực thống trị trên anh chị em hơn là thành tâm phục vụ họ như các tu sĩ trong chuyện vui trên, ta có thể tranh nhau đi tìm cây thập giá như ý mình, nhẹ nhất, thuận tiện nhất để vác lấy, vừa có dịp khoe khoang với kẻ khác, nhưng tâm hồn không có nghĩ gì đến thập giá trong đời sống của mình. Lạy Chúa, xin thương giúp con hiểu rõ mầu nhiệm thập giá trong đời sống Kitô hữu, và để con có đủ can đảm sống theo Chúa trên con đường thập giá, theo Chúa là con đường an toàn nhất để tiến về quê trời. Amen.
Cầu nguyện: 
     Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ngự đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúng con thật diễm phúc vì được Chúa làm bạn đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Xin Mình và Máu Thánh Chúa tưới gội linh hồn chúng con bằng ân sủng và tình thương của Chúa. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim đầy yêu thương của Chúa.
     Lạy Chúa Giêsu mến yêu, làm người ai cũng mong có kẻ yêu người mến. Ai cũng mong trở thành người có danh có phận giữa đời. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá đòi hỏi nơi tha nhân. Chúng con đòi được phục vụ. Chúng con đòi quyền lợi. Chúng con thường tham lam ích kỷ. Thế nên, người thương thì ít, kẻ ghét thì nhiều. Xin giúp chúng con biết sửa đổi cách nghĩ, cách hành động giống như Chúa đã nghĩ và hành động. Xin cho chúng con biết sống vì người khác. Xin giúp chúng con biết tìm niềm vui trong sự khiêm tốn phục vụ mọi người. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: người cao trọng không phải là kẻ có chức có quyền mà là người cống hiến cuộc đời để phục vụ tha nhân trong bổn phận của mình.
     Lạy Chúa, Chúa đã đi bước trước trong tình yêu dâng hiến phục vụ, xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để sống hy sinh vì lợi ích của tha nhân. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét